banner

Dồn lực cho 5G, tăng tốc chuyển đổi số quốc gia

1-5-2024
Bộ TTTT đã tổ chức thành công 2 phiên đấu giá băng tần 5G. Đây được coi là những tín hiệu tích cực trong việc tăng tốc chuyển đổi số quốc gia.


Viettel, VNPT đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 5G. Ảnh: MIC
 

Đấu giá thành công băng tần 5G

Tính đến hiện tại, Bộ TTTT đã tổ chức thành công 2 cuộc đấu giá băng tần 5G. Kết quả, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600MHz) với giá hơn 7.533 tỉ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3.700-3.800MHz) với giá 2.581 tỉ đồng.
 

Đại diện Viettel cho biết, băng tần 2500-2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G.
 

Việc Viettel trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để Viettel đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Bên cạnh đó, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
 

“Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500-2600 MHz. Viettel dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất” - đại diện Viettel cho hay.
 

Trong khi đó, đại diện VNPT cho biết, việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép VNPT nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G tốc độ cao tại Việt Nam.
 

Cùng với dải băng tần 3700 - 3800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời, tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.
 

Phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện - cho biết, cuộc đấu giá giúp doanh nghiệp có được tần số để triển khai dịch vụ viễn thông băng rộng.
 

Sau khi 2 khối tần số vừa đấu giá được cấp cho doanh nghiệp, lượng tần số cấp cho thông tin di động đã tăng lên 59% so với hiện nay. Theo đó, chất lượng dịch vụ di động chắc chắn sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp khai thác các tần số mới.
 

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng, đấu giá băng tần 5G là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với ngành TTTT, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
 

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G, đến năm 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2024 là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G.
 

Để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và thúc đẩy doanh nghiệp sớm cung cấp dịch vụ 5G thương mại ra thị trường, theo quy định hiện hành các doanh nghiệp phải thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông khi trúng đấu giá quyền sử dụng tần số.
 

Khi xây dựng điều kiện triển khai mạng cho cuộc đấu giá tần số 5G, Bộ TTTT đã tham vấn các doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu triển khai hạ tầng trong 2 năm đầu tiên sau khi được cấp phép với mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt đầu tư hạ tầng mạng lưới theo định hướng kinh doanh của mình cũng như đảm bảo người sử dụng tại các khu vực có nhu cầu được sớm tiếp cận dịch vụ của mạng 5G và đảm bảo doanh nghiệp phải triển khai mạng 5G sau khi được cấp tài nguyên tần số.
 

Luật Viễn thông 2023 và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông quy định đối với việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng viễn thông tích cực để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng mạng lưới khi triển khai 5G; xây dựng quy định khuyến khích triển khai mạng dùng riêng 5G tạo điều kiện cho mạng dùng riêng 5G tại các nhà máy, khu công nghiệp...


Nguồn: mic.gov.vn
Số lượt xem:115
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

CHUYÊN TRANG THÔNG TIN CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản:  Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Kon Tum.

Chịu trách nhiệm chính: Trần Văn Thu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Địa chỉ: 112E Bà Triệu, Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Điện thoại: 0260.3915.457 ; Fax: 0260.3915.457; Email: sotttt-kontum@chinhphu.vn


34458 Tổng số người truy cập: 5 Số người online: