Ngày 26/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 1690/QĐ-TTg). Theo đó, tổ chức, duy trì, phát huy hiệu quả, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số; thành viên Tổ CNSCĐ là lực lượng thuộc Mạng lưới chuyển đổi số tại địa phương
Thời gian qua, với những hoạt động tích cực, rộng khắp của 566 Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên tham gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, từ đó đạt được những thành quả bước đầu, bền vững của công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung và tại Kon Tum nói riêng.
Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh Kon Tum với lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên; các thành viên khác có thể gồm cán bộ cấp xã, lực lượng Công an, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận, Tổ dân phố, nhân viên doanh nghiệp công nghệ thông tin và thành phần khác. Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn, thôn, xóm…. với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”.
Nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số đến tất cả các đối tượng và người dân tại địa phương; góp phần nâng cao Chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Kon Tum. Các Tổ CNSCĐ đã hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện chủ trương chi trả chế độ cho các hộ chính sách qua tài khoản ngân hàng đã đẩy mạnh nhu cầu của người dân về tạo lập tài khoản ngân hàng. Cùng với việc Tổ CNSCĐ hướng dẫn sử dụng ví điện tử tại nhà, đã giúp người dân dần hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt các thành viên Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024; cao điểm trong 10 ngày (01/10/2024 - 10/10/2024), với các nội dung: (1) Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; (2) Hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; (3) Hướng dẫn mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; (4) Hướng dẫn bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; (5) Hướng dẫn tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Internet; (6) Hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt phần mềm VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử,… nhằm lan tỏa các ứng dụng, giải pháp, dịch vụ số từ tỉnh đến cơ sở. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, động lực tinh thần chuyển đổi số rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Tổ CNSCĐ cũng có một số khó khăn hạn chế trong triển khai thực hiện như: (1) Nhiều thành viên Tổ CNSCĐ chưa sử dụng thành thạo các ứng dụng để hướng dẫn lại cho người dân. Phải nhờ sự hỗ trợ của nhân viên doanh nghiệp như VNPT, VIETTEL… để cài đặt, sử dụng ứng dụng. (2) Còn nhiều hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, cận nghèo chưa có điện thoại thông minh để triển khai các ứng dụng công nghệ số. (3) Các thành viên Tổ CNSCĐ đa số là cán bộ thôn, làng, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ cấp trên chỉ đạo, nên khó thực hiện cùng lúc nhiều việc theo tiến độ, chất lượng được yêu cầu. (4) Tổ CNSCĐ đã đi vào hoạt động một thời gian, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa kịp ban hành Nghị quyết để hỗ trợ kinh phí cho Tổ CNSCĐ. Kinh phí hỗ trợ cho việc duy trì hoạt động các Tổ CNSCĐ còn thiếu, chưa tạo động lực, điều kiện cho các thành viên tích cực hoạt động.
Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục thúc đẩy hoạt động Mạng lưới Tổ CNSCĐ để hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quy mô quốc gia về chuyển đổi số tại địa phương. Các Tổ CNSCĐ cần tiếp tục phát huy những thành tựu, bài học kinh nghiệm đã thực hiện thành công tại địa phương trong thời gian qua, xây dựng phương hướng khắc phục những hạn chế còn tồn tại để hoạt động của Tổ CNSCĐ thực sự giúp ích cho người dân khi tham gia vào chuyển đổi số. Sự sáng tạo, nhiệt tình của các Tổ Công nghệ số cộng động (CNSCĐ) sẽ giúp người dân hiểu và tin chuyển đổi số mang lại nhiều giá trị to lớn cho bản thân họ trong cuộc sống. Lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số và Tổ CNSCĐ làm cầu nối đắc lực là một trong những trọng tâm để thực hiện tốt chuyển đổi số quốc gia nói chung và tại Kon Tum nói riêng./.