Kiểm tra là một trong những nhiệm vụ cần thiết của công tác quản lý nhà nước. Thông qua công tác kiểm tra sẽ đánh giá tình hình triển khai, kết quả tích cực đạt được, những phương pháp, kinh nghiệm hay trong quá trình triển khai thực hiện; phát hiện tồn tại, hạn chế cần khắc phục; Đề xuất biện pháp, giải pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới. Với tinh thần đó, ngày 02 tháng 6 năm 2024 Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh ban hành Kế hoạch số 1905/KH-BCĐ về kiểm tra công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024.
Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Trần Văn Thu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi làm Trưởng đoàn, Ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng đoàn, các thành viên là thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số: Sở Thông tin và Truyền thông; Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; Sở Tài chính, Sở Xây dựng.
Đoàn tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 07 đơn vị là sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện
(các đơn vị kiểm tra trực tiếp gồm các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế, Công Thương; Lao động, Thương binh và Xã hội; Các huyện: Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô).
Đoàn kiểm tra làm việc tại Sở Y tế
Tại thời điểm kiểm tra các thành viên kiểm tra thực tế tình hình thực hiện chuyển đổi số tại các đơn vị về: công tác tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số; Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hạ tầng số; nhân lực số; an toàn thông tin; hoạt động chính quyền số; hoạt động kinh tế số, xã hội số; triển khai đô thị thông minh đối với cấp huyện; kinh phí thực hiện nội dung chuyển đổi số.
Đoàn kiểm tra ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, địa phương, sự nỗ lực, cố gắng của Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai, tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, bố trí nhân lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong chuyển đổi số, như: Khai thác có hiệu quả các ứng dụng dùng chung: phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; thư điện tử công vụ; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng tỉnh; hệ thống phòng chống mã độc tập trung,…Các cơ quan đơn vị ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm, bám sát với kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, của ngành và thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đều quan tâm bố trí kinh phí cho nội dung chuyển đổi số. Cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do tỉnh và Bộ tổ chức; Cung cấp thông tin lên trang thông tin điện tử thường xuyên, đa dạng giúp người dân và tổ chức thuận tiện trong khâu tra cứu thông tin,…
Ngoài ra các đơn vị được kiểm tra cũng triển khai tốt các ứng dụng chuyên ngành, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số như:
- Sở Công Thương: Hoàn thành việc xây dựng và tiếp tục vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum tại địa chỉ https://kontumtrade.gov.vn/ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá thông tin, hành ảnh, kết nối giao thương các sản phẩm của tỉnh Kon Tum; Hệ thống Hội chợ, triển lãm trực tuyến tại địa chỉ http://hoichokontum.vn nhằm cung cấp các thông tin về hội chợ trong và ngoài nước, giới thiệu quảng bá, tham quan các gian hàng trực tuyến ảo (3D).
- Sở Y tế: Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh HIS tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Triển khai liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, Giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định BHYT; Ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VneID thay thế thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh; Triển khai Phần mềm khai báo lưu trú ASM; triển khai Hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa – Vteleheath; Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; Phần mềm quản lý tiêm chủng; Phần mềm thống kê y tế điện tử; Phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm; quản lý lao, HIV…
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: phầm mềm bảo hiểm thất nghiệp, phần mềm lưu trữ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, Quản lý chi trả Người có công, Quản lý đối tượng Bảo trợ xã hội, ...
- Các huyện, xã triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử; hướng dẫn, khuyến khích đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của địa phương đưa lên sàn thương mại điện tử; Tổ chức triển khai hoạt động có hiệu quả các tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn với mục đích “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận công nghệ số được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc: (1) Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC chưa đảm bảo 100% theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là tại các xã. Triển khai thanh toán phí, lệ phí trực tuyến còn thấp. (2) Nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số còn mỏng, yếu nhất là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông; Hạ tầng CNTT lạc hậu, một số chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. (3) Việc cung cấp dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của ngành theo Quyết định 528/QĐ-UBND ngày 27/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa thực hiện đầy đủ. (4) Việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và xã nông thôn mới thông minh còn lúng túng, khó khăn. (5) Người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chưa có thói quen, còn tâm lý lo ngại về an toàn thông tin hoặc chưa rõ ràng về việc chứng thực cho các hồ sơ pháp lý trên mạng; trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị CNTT của người dân còn rất nhiều hạn chế.
Sau thời gian kiểm tra, làm việc, trao đổi, Đoàn kiểm tra đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1). Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo đơn vị và người đứng đầu trong việc chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên đối với công tác chuyển đổi số đảm bảo theo đúng tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chung của tỉnh, của huyện.
(2). Quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống Một cửa điện tử theo đúng quy định; số hóa, xử lý, luân chuyển hồ sơ theo quy trình đã được thiết lập; giải quyết hồ sơ trên phần mềm Một cửa điện tử bảo đảm thống nhất, chính xác với số lượng hồ sơ giấy tiếp nhận trên thực tế.
(3) Tăng cường công tác vận động người dân, doanh nghiệp thanh toán phí lệ phí trực tuyến, trong đó trước tiên yêu cầu toàn thể CBCCVC gương mẫu trong thanh toán phí, lệ phí trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính của cá nhân và gia đình.
(4) Quan tâm triển khai cung cấp dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của ngành theo Quyết định 528/QĐ-UBND ngày 27/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
(5) Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng của cán bộ công chức đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát sinh trong thời đại mới.
Ông Trần Văn Thu phát biểu kết luận tại đơn vị kiểm tra
Phát biểu kết luận kiểm tra, ông Trần Văn Thu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi tỉnh, Trưởng đoàn ghi nhận, đánh giá cao các kết quả của các đơn vị trong công tác triển khai chuyển đổi số. Đồng thời chia sẻ Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông luôn đồng hành và hỗ trợ các đơn vị trong công tác triển khai chuyển đổi số, đảm bảo việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đề nghị các ngành, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả các phần mềm công nghệ thông tin, nâng cấp hạ tầng, nghiên cứu triển khai các ứng dụng AI, quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo cán bộ cũng như đổi mới công tác tuyên truyền để đảm bảo việc thông tin tới người dân về các dịch vụ số được kịp thời, đầy đủ phát huy đúng tinh thần của chuyển đổi số là lấy người dân làm trọng tâm./.